Đổ lỗi chỉ là lý lẽ bao biện cho sự bất lực

Nếu từng trải nghiệm ở vị trí Quản lý bạn mới hiểu thực tế là mình trên đe dưới búa.

Đổ lỗi chỉ là lý lẽ bao biện cho sự bất lực
Văn hóa đổ lỗi

Tôi may mắn được trải nghiệm điều này từ lúc còn trẻ bên những mentor tuyệt vời.

Làm quản lý, bạn sẽ luôn phải đối diện với:

  • BLĐ với kỳ vọng to lớn về doanh thu, dòng tiền, kế hoạch tăng trưởng quy mô ngắn, trung & dài hạn… và bạn có trách nhiệm hiện thực hoá điều đó.
  • Những Đối tác hay Khách hàng lớn, mạnh gạo bạo tiền nhưng đầy kinh nghiệm o ép và tận dụng kẽ hở hợp đồng để bòn rút.
  • Hàng loạt đối thủ mạnh mẽ nhòm ngó, tìm cách ngáng chân, phá hoại.
  • Tâm lý thị trường thay đổi liên tục với những diễn biến bất ngờ, đặc biệt là sau những biến cố, khủng hoảng.
  • Đội ngũ nhân viên đủ mọi thành phần, khác biệt nhau về trình độ, thái độ, ham muốn và cả dã tâm.

Trước hoàn cảnh đó, tôi đã thất bại. Khi đó thật khó chấp nhận và cũng vô cùng sợ hãi. Đến khi giải trình trước hội đồng, hẳn là bạn biết tôi sẽ làm gì rồi đó, tôi ĐỔ LỖI.

  • BLĐ đặt kỳ vọng quá cao hoặc mơ hồ mà còn thiếu hỗ trợ.
  • Đối tác lươn lẹo, lợi dụng kẽ hở hợp đồng khiến dự án thiệt hại về tài chính.
  • Thị trường khó khăn khiến cho kế hoạch không được như mong muốn.
  • Không ngờ Đối thủ lại “chơi” chúng ta như vậy…
  • Nhân viên không đủ trình độ để thực hiện, thậm chí làm không đúng những gì mà tôi phân công.

Túm lại thông điệp là tôi đã cố gắng hết sức và tôi chỉ là một Nạn nhân không may.

Vị lãnh đạo (thật ngạc nhiên là ông lại rất điềm tĩnh) chỉ hỏi tôi một câu: “Thật tốt, vậy là cậu không gây ra lỗi gì phải không?

– Quả là câu hỏi chí mạng –

Sau đó tôi hiểu rằng tất cả là LỖI CỦA TÔI. Tôi chính là người phải chịu mọi trách nhiệm với thất bại của dự án, với tư cách Quản lý.

  • Tôi đã không thể thuyết phục được BLĐ về tính (bất) khả thi của tầm nhìn đó do không thu thập đủ bằng chứng.
  • Tôi đã không tìm hiểu để thấu hiểu tầm nhìn và tư duy của BLĐ chỉ vì sự tự mãn và tầm nhìn ếch nhái của mình.
  • Tôi không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và điều tra nghiêm túc về hợp đồng, dẫn đến để lọt kẽ hở.
  • Tôi đã không có những phương án dự phòng cho những rủi ro khó lường trong tương lai.
  • Tôi đã không có đánh giá đúng sức mạnh những đối thủ của mình.
  • Tôi đã sử dụng thông tin lỗi thời về thị trường cũng như áp đặt ý kiến chủ quan của mình vào một thứ quá nhiều biến số như vậy.
  • Tôi đã không hiểu điểm mạnh yếu và mục tiêu của nhân viên mình để vận dụng đúng người vào đúng việc.
  • Tôi không truyền đạt thông tin cụ thể, rõ ràng đến họ, cũng như thiếu phương thức kiểm tra giám sát. Vì thế họ đã làm sai.

Tóm lại, là một lãnh đạo dự án, bất kỳ vấn đề gì xảy ra, dù chủ quan hay khách quan, tôi phải tâm niệm đó là LỖI CỦA TÔI. Khi ngộ ra điều đó, quả thật tâm hồn tôi thấy thanh thản.

Đổ lỗi chỉ là liều doping ngắn hạn trong tâm trí, nhưng hậu quả vẫn còn đó và sai lầm sẽ còn lặp lại. Khi hiểu rõ LỖI CỦA MÌNH, tôi biết chắc chắn sẽ giải quyết được nó! Vì nó là VẤN ĐỀ NỘI TẠI của tôi!

Nhận ra lỗi càng sớm, càng có CƠ HỘI XOAY CHUYỂN TÌNH THẾ, miễn là Hành động ngay!

Nhận ra lỗi để không đánh mất sự thanh cao của mình. Thay vì biến mình thành xấu xí, tốn năng lượng để chỉ trích, bới móc. Chẳng những không giải quyết được gì mà đâu biết hình ảnh của mình đang bị tổn hại.

Thứ duy nhất tôi mất khi nhận lỗi là Bản ngã.

THƯỜNG HẰNG CHỈ THẤY LỖI MÌNH, KHÔNG THẤY LỖI NGƯỜI

Thường hằng nghĩa là mọi lúc, mọi nơi. Trong cuộc sống dù việc lớn lao hay rất nhỏ như hơi thở, bước đi thì cũng phải chủ động quán xét điều này. Từ đó ta nhận ra cuộc sống này quả thật tự do tự tại.

Phản hồi về bài viết

Cùng thảo luận chút nhỉ!

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.