Ikigai là gì? Làm sao để tìm ra Ikigai cho bản thân

Hồi còn làm việc ở Nhật Bản, tôi được các sếp truyền bá về IKIGAI, nôm na là “lý do tồn tại”. Theo tôi hiểu thì đó là cảm giác “viên mãn” khi ta đang làm điều gì đó tuyệt vời.

Ikigai là gì? Làm sao để tìm ra Ikigai cho bản thân
Ikigai là sự viên mãn trong tâm hồn khi đạt được 4 khía cạnh trong cuộc sống

Ikigai là gì?

IKIGAI là phiên âm của 生き甲斐. Về mặt Hán tự, 生き(ikiSinh) có ý nghĩa là “sống”, còn 甲斐 (kaiGiáp Phỉ) có nghĩa là “xứng đáng”. Tựu về ý nghĩa là điều gì đó khiến ta cảm thấy đáng để tồn tại.

Đây là một quan điểm của người Nhật Bản khởi nguồn từ vùng Okinawa. Họ tìm cách hài hòa được 04 yếu tố dưới đây. Trên hình minh họa tương trưng là giao của 04 vòng tròn gồm:

  • Thích làm: Việc gì khiến ta hứng thú, làm quên cả thời gian và mệt mỏi.
  • Làm giỏi: Việc gì mà ta không ngừng trau dồi, học hỏi và trở thành một chuyên gia.
  • Xã hội cần: Việc gì đem lại lợi ích cho một cộng đồng / thị trường, có giá trị về lâu về dài.
  • Làm ra tiền: Việc gì giúp ta kiếm (nhiều) tiền để có được một cuộc sống thoải mái.

Thực tế sự giao nhau này còn tạo nên những ngã rẽ khác nhau trong cuộc sống.

Những ngã rẽ trên con đường đến với IKIGAI

Trong hành trình đi tìm IKIGAI thì biết được điểm khởi đầu rất quan trọng. Những điểm khởi đầu đó có thể không khiến ta hài lòng nhưng cuộc sống luôn là vậy – một phần là số phận đưa đẩy và phần còn lại là lựa chọn của chúng ta, thế nên mọi thứ đều có thể thay đổi.

Ta có thể đang thấy mình ở một trong những tình huống sau:

1. Việc ta thích làm & giỏi nhưng nhọ là không kiếm được tiền, mà hiện tại chẳng mấy ai cần. Cái này gọi là ĐAM MÊ.

2. Việc ta thích, nhiều người cần nhưng bản thân chưa làm được, mà làm cũng chưa chắc thu được gì. Đây như kiểu hô khẩu hiệu, gọi sang chảnh là SỨ MỆNH.

3. Việc ta làm ra tiền, phục vụ được nhiều người nhưng lại không thích, trình độ trung bình, ta gọi đây là SINH NHAI.

Có người kiểu trái ngành, chỉ làm cho xong mà không có động lực phát triển, nên cứ mãi lom dom!

Tuy vậy đây là điều tối thiểu phụ huynh thế hệ cũ kỳ vọng ở con mình đó là Công ăn việc làm ổn định.

4. Việc ta làm giỏi, kiếm ra tiền, nhưng thâm tâm không hẳn là thích, cho rằng việc đang làm chỉ là để nuôi thân thì đó là NHÀ NGHỀ.

5. Đam mê của ta (vừa thích, vừa giỏi), phục vụ được cho cộng đồng nhưng ví tiền eo hẹp. Nghe cứ như nói về mấy nghề ‘cao quý’ bên mình vậy.

6. Việc ta thích làm, phục vụ cộng đồng, lại cũng ra tiền nhưng bản thân lại thiếu trình độ. Thường chỉ làm tròn vai và dễ bị lợi dụng hoặc thay thế. Cuộc sống tạm coi là ổn nhưng hơi bị bấp bênh.

7. Ta là nghệ nhân kiếm được nhiều tiền, tác phẩm được nhiều người tán thán… Có vẻ đến đây là SƯỚNG lắm rồi. Thế nhưng người ngoài đâu biết đây không phải đam mê. Lòng thấy trống rỗng vì có điều muốn làm nhưng không thể làm được.

8. Đam mê của ta kiếm được ra tiền nhưng chỉ vị cá nhân. Bỗng một ngày đẹp trời tự hỏi TIỀN NHIỀU ĐỂ LÀM GÌ? Cuộc sống mà thiếu sự công nhận của cộng đồng thì chẳng phải vô dụng lắm sao?

IKIGAI. Còn gì bằng khi thứ ta đam mê vừa kiếm ra tiền lại còn được cộng đồng đón nhận.

Thế bạn là số mấy vậy?

Làm sao để tìm ra Ikigai cho bản thân

IKIGAI không nhất thiết là thứ gì đó quá vĩ đại. Đóng góp cho cộng đồng nhỏ thì vĩ đại nhỏ, cộng đồng lớn thì vĩ đại lớn… Thấy vui là được.

Không có con đường cụ thể để tìm IKIGAI vì nó phụ thuộc tư duy và xuất phát điểm của mỗi người.

Muốn gì thì trước hết phải có tiền, không có điều kiện thì phải tìm kế sinh nhai chứ đói ăn thì nghĩ thế nào được.

Và trong 4 cái vòng tròn kia thì THÍCH LÀM là thứ dễ thay đổi nhất.

Cuộc đời là những chuỗi THỬ-SAI, thất bại là mẹ thành công, cơ hội không đến với người dễ dàng bỏ cuộc.